Liên Hệ | English
Danh Mục
Giới thiệu
Phổ biến kiến thức
Tư vấn
Cuộc sống sau điều trị
Bệnh học ung thư
Dịch vụ y tế
Ung thư trẻ em
Công trình nghiên cứu
Diễn dàn
Tin tức & Sự kiện
Hợp tác
Liên hệ
Đường dây nóng
Liên Kết Website
Tìm kiếm
 
Counter engine
HTML Hit Counters
Phổ biến kiến thức

ung thư thận

Bạn cần biết gì về bệnh ung thư thận?

Tài liệu này gồm những thông tin quan trọng về bệnh ung thư thận, gồm những nguyên nhân, triệu chứng có thể có, việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Ngoài ra, trong tài liệu này còn có nhiều thông tin có thể giúp bệnh nhân đối phó với bệnh ung thư thận.

         Nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu bệnh ung thư thận để hiểu biết thêm về loại bệnh này. Họ đang tìm kiếm thêm về nguyên nhân gây bệnh, và các bác sĩ cũng đang thăm dò thêm nhiều cách mới để điều trị bệnh.

Thận

         Thận là một cặp cơ quan ở hai bên của cột sống trong phần bụng dưới, trên đỉnh của mỗi thận là một tuyến thượng thận. Một khối mô mỡ và một lớp mô xơ bao bọc ở phía ngoài quanh hai thận và tuyến thượng thận.

         Hai thận là một phần của hệ thống tiết niệu. Chúng sản xuất ra nước tiểu bằng việc loại bỏ nước và lượng nước thừa trong máu. Nước tiểu tụ tập trong một khoảng trống (bể thận) ở giữa thận. Nước tiểu đi từ bể thận vào trong bàng quang qua một ống được gọi là niệu quản. Nước tiểu ra khỏi cơ thể qua một đường ống khác (niệu đạo).

         Thận còn sản xuất ra những chất giúp kiểm soát huyết áp và sản xuất ra các hồng cầu.

Sự hiểu biết về bệnh ung thư thận

         Ung thư bắt đầu trong các tế bào là những thành phần tạo thành các mô. Các mô tạo thành các cơ quan của cơ thể. Thông thường, các tế bào phát triển và phân chia thành những tế bào mới khi cơ thể cần đến chúng. Khi các tế bào già, chúng chết đi và những tế bào mới thay thế chúng.

         Đôi khi, quá trình có trật tự này bị sai sót. Những tế bào mới sinh ra khi cơ thể không cần đến chúng và những tế bào già không chết đi khi chúng cần phải chết. Những tế bào tăng thêm này có thể tạo thành một khối mô được gọi là tăng sản hoặc khối u.

Những khối u có thể là lành tính hoặc ác tính

- Những khối u lành tính không phải là ung thư

         + Những khối u lành tính hiếm khi đe doạ đến đời sống

         + Thông thường, những khối u lành tính có thể được cắt bỏ, và chúng hiếm khi phát triển trở lại.

         + Các tế bào từ những khối u lành tính không xâm lấn vào các mô xung quanh chúng hoặc lan tràn đến các phần khác của cơ thể.

- Những khối u ác tính là ung thư

         + Những khối u ác tính nhìn chung nghiêm trọng hơn các khối u lành tính. Chúng có thể đe doạ đến đời sống.

         + Những khối u ác tính thường có thể được cắt bỏ, nhưng chúng có thể phát triển trở lại.

         + Các tế bào từ những khối u ác tính có thể xâm nhập và gây nguy hiểm cho các mô và các bộ phận xung quanh. Hơn nữa, các tế bào ung thư có thể thoát ra từ một khối u ác tính và xâm nhập vào dòng máu hoặc hệ thống bạch huyết. Đó là cách các tế bào ung thư lan tràn từ khối ung thư nguyên phát đến những khối u mới trong các bộ phận khác của cơ thể. Sự lan tràn của ung thư được gọi là di căn.

         Một số bệnh ung thư có thể bắt đầu từ trong thận. Tài liệu này trình bày về bệnh ung thư tế bào thận, hầu hết các loại ung thư thận phổ biến ở người lớn. Loại bệnh này đôi khi được gọi là ung thư biểu mô thận hoặc u dạng mô thượng thận. Một loại khác của ung thư là ung thư tế bào chuyển tiếp, ảnh hưởng đến vùng bể thận. Loại ung thư này cùng loại với ung thư bàng quang và nó thường được điều trị như ung thư bàng quang. U Wilms là loại phổ biến nhất của ung thư thận ở trẻ em. Loại ung thư này khác với ung thư thận ở người lớn và đòi hỏi quá trình điều trị khác nhau.

         Khi ung thư thận lan tràn ra ngoài thận, các tế bào ung thư thường được tìm thấy gần các hạch bạch huyết. Ung thư thận còn có thể lan tràn vào phổi, xương hoặc gan. Ung thư cũng có thể lan tràn từ thận này sang thận bên kia.

         Khi ung thư lan tràn (di căn) từ vị trí nguyên phát của nó đến các phần khác của cơ thể, khối u mới có những tế bào bất thường cùng loại và có tên giống với khối u nguồn gốc. Ví dụ, nếu ung thư thận lan tràn đến phổi, các tế bào ung thư trong phổi trên thực tế là các tế bào ung thư thận. Bệnh này là ung thư thận di căn, không phải ung thư phổi. Bệnh được điều trị như ung thư thận, không phải ung thư phổi. Đôi khi, các bác sĩ gọi khối u mới là khối u di căn hoặc bệnh ở "xa".

Ai có nguy cơ bị ung thư thận?

         Hầu hết, bệnh ung thư thận thường phát triển ở những người trên 40 tuổi, nhưng không ai biết chính xác nguyên nhân của loại bệnh này. Các bác sĩ hiếm khi có thể giải thích được tại sao người này phát triển bệnh ung thư thận và người khác thì không. Tuy nhiên, có điều rõ ràng là bệnh ung thư thận không lây truyền. Không ai có thể "nhiễm" bệnh từ một người khác.

         Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có một số yếu tố nguy cơ nhất định thì có khả năng phát triển bệnh ung thư thận hơn những người khác. Yếu tố nguy cơ là bất cứ điều gì làm tăng khả năng phát triển bệnh của người đó.

         Nhiều nghiên cứu đã tìm được những yếu tố nguy cơ đối với bệnh ung thư thận như sau:

- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính. Những người hút thuốc lá có khả năng phát triển bệnh ung thư thận gấp hai lần những người không hút thuốc. Hút thuốc lá còn có thể làm tăng nguy cơ của bệnh này.

- Béo phì: Những người béo phì có tăng nguy cơ bệnh ung thư thận

- Huyết áp cao: Huyết áp cao làm tăng nguy cơ bệnh ung thư thận

- Sự thẩm tách kéo dài: Thẩm tách là một phương pháp điều trị dành cho những người có hai thận hoạt động kém. Phương pháp này loại bỏ những chất độc trong máu. Điều trị thẩm tách trong nhiều năm là một yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư thận.

- Hội chứng Von Hippel- Lindau (VHL): VHL là một bệnh hiếm gặp trong một số gia đình. Bệnh này gây nên do những sự thay đổi trong gen VHL. Gen VHL bất thường làm tăng nguy cơ của bệnh thận. Bệnh này có thể còn gây ra những u nang hoặc những khối u trong mắt, não, và những bộ phận khác của cơ thể. Các thành viên trong những gia đình có hội chứng này cần làm xét nghiệm để kiểm tra gen VHL bất thường. Đối với những người có gen VHL bất thường, các bác sĩ có thể gợi ý nhiều cách để cải thiện sự phát triển bệnh ung thư thận và những bệnh khác trước khi các triệu chứng bệnh phát triển.

- Nghề nghiệp: Một số người có nguy cơ cao bị bệnh ung thư thận vì họ đang tiếp xúc với một số chất hoá học nhất định hoặc những chất trong môi trường làm việc. Những công nhân luyện than trong ngành công nghiệp sắt và thép là có nguy cơ cao. Những công nhân bị phơi nhiễm với amiăng hoặc catmi cũng có thể có nguy cơ ung thư thận.

- Giới tính: Nam giới có khả năng được chẩn đoán bệnh ung thư thận hơn nữ giới. Hàng năm ở Mỹ có khoảng 20 nghìn nam giới và 12 nghìn phụ nữ biết được họ bị bệnh ung thư thận.

         Hầu hết, những người có những yếu tố nguy cơ này lại không mắc phải bệnh ung thư thận. Nói cách khác, hầu hết những người mắc phải căn bệnh này có những yếu tố nguy cơ không được biết đến. Những người nghĩ rằng mình có thể có nguy cơ nên hỏi ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể gợi ý cho bạn những cách để làm giảm nguy cơ và có thể lập ra một lịch kiểm tra thích hợp.

Những triệu chứng

         Những triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư thận bao gồm:

- Máu trong nước tiểu (làm cho nước tiểu bình thường nhạt màu thành đỏ sẫm)

- Đau ở bên sườn mà không khỏi

- Xuất hiện một cục hoặc một khối u bên sườn hoặc ổ bụng

- Giảm cân

- Sốt

- Cảm thấy rất mệt mỏi hoặc có cảm giác sức khoẻ chung xấu đi

         Thông thường, những triệu chứng này không có nghĩa là bệnh ung thư. Sự nhiễm khuẩn, một u nang, hoặc một vấn đề khác cũng có thể gây ra những triệu chứng như vậy. Một người có bất cứ triệu chứng nào trong số những triệu chứng trên nên đi khám bệnh, như vậy bệnh có thể được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.

Chẩn đoán

         Nếu một bệnh nhân có những triệu chứng gợi ý bệnh ung thư thận, bác sĩ có thể thực hiện một hoặc nhiều hơn những biện pháp sau đây:

- Kiểm tra tổng thể: Bác sĩ kiểm tra những dấu hiệu chung của sức khoẻ và xét nghiệm nếu có sốt và huyết áp cao. Bác sĩ còn nắn vùng bụng và sườn để tìm những khối u.

- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra nước tiểu để tìm máu và những dấu hiệu khác của bệnh.

- Xét nghiệm máu: Phòng xét nghiệm kiểm tra máu để xem hai thận đang làm việc có tốt không. Phòng xét nghiệm cũng có thể kiểm tra mức của một vài chất khác, ví dụ như creatinin. Một mức cao của creatinin có thể có nghĩa là thận làm việc không được tốt.

- Chụp X quang tĩnh mạch (IVP): Bác sĩ tiêm một loại thuốc đặc biệt vào một tĩnh mạch ở cánh tay. Thuốc này theo máu chảy đi khắp cơ thể và tụ tập trong thận. Thuốc được tiêm vào làm cho hai thận  hiện rõ trên hình ảnh X quang. Sau đó, một loạt các hình ảnh X quang theo dấu vết thuốc được chụp hình vì thuốc chảy qua hai thận đến niệu quản và bàng quang. Phim X quang có thể cho thấy một khối u thận hoặc những vấn đề khác nếu có.

- Chụp cắt lớp vi tính: Một máy chụp X quang được nối với một máy vi tính tạo ra hàng loạt các hình ảnh chi tiết của hai thận. Người bệnh có thể được tiêm một loại thuốc đặc biệt để cho thận hiện rõ trên phim. Chụp cắt lớp có thể cho thấy khối u thận.

- Xét nghiệm siêu âm: Thiết bị siêu âm sử dụng những sóng âm mà con người không thể nghe thấy được. Những sóng âm này phát ra từ hai thận, và một máy vi tính sử dụng những tiếng vang để tạo ra một hình ảnh được gọi là siêu âm đồ. Một khối u đặc hoặc u nang được hiện rõ trên siêu âm đồ.

- Sinh thiết: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện một sinh thiết. Sinh thiết là lấy ra một mẫu mô để tìm các tế bào ung thư. Bác sĩ đưa một kim nhỏ qua da vào trong thận để lấy ra một mảnh mô nhỏ. Bác sĩ có thể dùng siêu âm hoặc máy X quang để hướng dẫn mũi kim. Bác sĩ nghiên cứu giải phẫu bệnh dùng một kính hiển vi để tìm các tế bào ung thư trong mảnh mô đó.

- Phẫu thuật: Trong hầu hết các trường hợp, dựa trên kết quả chụp cắt lớp và chụp X quang, bác sĩ có đủ thông tin để đề nghị phẫu thuật lấy ra một phần hoặc cả một bên thận. Bác sĩ nghiên cứu giải phẫu bệnh sẽ đưa ra chẩn đoán cuối cùng qua việc nghiên cứu mẫu mô dưới kính hiển vi.

Định giai đoạn

         Để lập được kế hoạch điều trị tốt nhất, bác sĩ cần biết được giai đoạn của bệnh (phạm vi bệnh). Giai đoạn bệnh được dựa trên kích thước của một khối u, ung thư đã lan tràn chưa, nếu có thì đã lan tràn đến phần nào của cơ thể.

         Định giai đoạn có thể bao gồm những xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính. Bác sĩ có thể còn sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI. Đối với loại xét nghiệm này, một cục nam châm cực mạnh được nối với một máy tính tạo ra những hình ảnh chi tiết của các bộ phận và mạch máu.

         Các bác sĩ mô tả bệnh ung thư thận bằng các giai đoạn sau:

- Giai đoạn I là giai đoạn sớm của bệnh ung thư thận. Khối u đo được lên đến 7cm. Khối u này không lớn hơn một quả bóng tennis. Các tế bào ung thư chỉ được tìm thấy trong thận.

- Giai đoạn II cũng là giai đoạn sớm của bệnh ung thư thận, nhưng khối u đo được lớn hơn 7cm. Các tế bào ung thư chỉ được tìm thấy trong thận.

- Giai đoạn III là một trong những trường hợp sau:

         + Khối u không lan rộng ra ngoài thận, nhưng các tế bào ung thư đã lan tràn qua hệ thống bạch huyết đến một hạch bạch huyết gần đó; hoặc

         + Khối u đã xâm lấn vào tuyến thượng thận hoặc lớp mỡ và mô xơ xung quanh thận, nhưng các tế bào ung thư vẫn chưa lan tràn vượt ra ngoài lớp mô xơ. Các tế bào ung thư có thể được tìm thấy trong một hạch bạch huyết gần đó; hoặc

         + Các tế bào ung thư đã lan tràn từ thận đến một mạch máu lớn gần đó. Các tế bào ung thư có thể được tìm thấy trong một hạch bạch huyết gần đó.

- Giai đoạn IV là một trong những trường hợp sau:

         + Khối u đã lan rộng ra ngoài lớp mô xơ xung quanh thận; hoặc

         + Các tế bào ung thư được tìm thấy trong nhiều hơn một hạch bạch huyết; hoặc

         + Ung thư đã lan tràn đến các nơi khác trong cơ thể, ví dụ như phổi.

         Bệnh ung thư tái phát là bệnh đã quay trở lại (phát bệnh lại) sau điều trị. Bệnh có thể trở lại ở thận hoặc trong một phần khác của cơ thể.

Điều trị

         Nhiều người bị ung thư thận muốn nắm được từng bước trong việc ra những quyết định về chăm sóc sức khoẻ của mình. Họ muốn học hỏi tất cả những gì có thể về bệnh tật và những sự lựa chọn điều trị. Tuy nhiên, việc bị sốc và căng thẳng sau một chẩn đoán có thể làm cho họ khó mà nghĩ được về những điều họ muốn hỏi bác sĩ. Việc lập ra một danh sách các câu hỏi trước khi hẹn gặp bác sĩ thường giúp cho người bệnh có được hiểu biết tốt hơn về bệnh. Để nhớ được những gì bác sĩ nói, người bệnh có thể ghi chép lại. Một số bệnh nhân còn muốn có một người trong gia đình hoặc bạn bè cùng nghe khi họ nói chuyện với bác sĩ, để cùng tham gia vào việc thảo luận, ghi chép, hoặc chỉ ngồi nghe thôi.

         Bác sĩ có thể giới thiệu bệnh nhân đến một bác sĩ chuyên khoa, hoặc bệnh nhân có thể yêu cầu được giới thiệu với các bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ chuyên khoa điều trị bệnh ung thư thận bao gồm các bác sĩ chuyên về những loại bệnh của hệ thống tiết niệu (khoa tiết niệu) và các bác sĩ chuyên về ung thư (bác sĩ chuyên khoa ung thư nội khoa và các bác sĩ chuyên khoa xạ trị ung thư).

Nhận ý kiến thứ hai

         Trước khi bắt đầu điều trị, một người bị ung thư thận có thể muốn được nghe một ý kiến thứ hai về sự chẩn đoán và kế hoạch điều trị. Người bệnh có thể đến Trung tâm nghiên cứu và phát hiện sớm ung thư để được tư vấn. Bạn có thể truy cập trang web của chúng tôi ở địa chỉ: ungthuvn.org.

Chuẩn bị cho quá trình điều trị

         Việc điều trị phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh và độ tuổi và tình hình sức khoẻ chung của bệnh nhân. Bác sĩ có thể mô tả những lựa chọn điều trị và thông báo về những kết quả mong đợi. Bác sĩ và bệnh nhân có thể cùng tham gia để phát triển một kế hoạch điều trị phù hợp với những nhu cầu của bệnh nhân.

         Mọi người có thể hỏi bác sĩ những câu hỏi sau trước khi bắt đầu điều trị:

- Giai đoạn của bệnh là gì? Ung thư đã lan tràn chưa? Nếu có, đã lan tràn đến đâu?

- Những sự lựa chọn điều trị của tôi là gì? Lựa chọn nào bác sĩ sẽ chọn cho tôi? Tôi sẽ được áp dụng một hay nhiều loại điều trị?

- Những lợi ích mong đợi của mỗi loại điều trị là gì? Điều trị có chữa khỏi không hay chỉ kiểm soát bệnh?

- Những nguy cơ và những tác dụng phụ có thể có của mỗi loại điều trị là gì? Tôi sẽ được dùng thuốc gì để kiểm soát các tác dụng phụ?

- Việc điều trị sẽ kéo dài bao lâu?

- Tôi có phải ở lại trong bệnh viện không?

- Việc điều trị có thể được thanh toán không? Phương pháp điều trị này có được chi trả theo hợp đồng bảo hiểm y tế không?

- Điều trị sẽ ảnh hưởng đến những hoạt động bình thường của tôi như thế nào?

- Sau bao lâu tôi phải đi kiểm tra lại?

- Liệu một thử nghiệm lâm sàng (nghiên cứu tìm kiếm) có thích hợp với tôi không?

         Người bệnh không cần phải hỏi tất cả các câu hỏi của mình hoặc hiểu được các câu trả lời ngay lúc đó. Họ sẽ có nhiều cơ hội khác để đề nghị bác sĩ giải thích những điều còn chưa rõ ràng và hỏi thêm nhiều thông tin mới.

Những phương pháp điều trị

         Những người bị ung thư thận có thể được phẫu thuật, gây nghẽn mạch động mạch, liệu pháp xạ trị, liệu pháp sinh học hoặc hoá trị liệu. Một số người có thể được điều trị kết hợp nhiều phương pháp.

         ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, những người bị ung thư thận có thể phải điều trị để kiểm soát sự đau đớn và những triệu chứng khác, để giảm nhẹ những tác dụng phụ của điều trị và để làm dịu những xúc cảm và những vấn đề thiết thực khác. Loại điều trị này được gọi là chăm sóc hỗ trợ, quản lý triệu chứng hoặc chăm sóc giảm nhẹ. Thông tin về chăm sóc hỗ trợ có trên trang web của Trung tâm nghiên cứu và phát hiện sớm ung thư:

         Người bệnh có thể muốn hỏi bác sĩ về việc tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng, chuyên nghiên cứu tìm kiếm những phương pháp điều trị mới.

Phẫu thuật

         Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với bệnh ung thư thận. Đây là một loại của liệu pháp cục bộ. Phương pháp này xử lý khối ung thư trong thận và vùng gần với khối u.

         Một ca mổ để loại bỏ thận được gọi là phẫu thuật cắt bỏ thận. Có một số kiểu phẫu thuật cắt bỏ thận. Loại phẫu thuật phụ thuộc chính vào giai đoạn của khối u. Bác sĩ có thể giải thích từng ca mổ và mô tả loại nào là thích hợp nhất đối với người bệnh.

- Cắt bỏ thận hoàn toàn: Ung thư thận thường được xử lý bằng cắt bỏ thận hoàn toàn. Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thận cùng với tuyến thượng thận và một số mô xung quanh thận. Một số hạch bạch huyết trong vùng này cũng có thể được cắt bỏ.

- Phẫu thuật cắt bỏ thận đơn giản: Bác sĩ phẫu thuật chỉ cắt bỏ thận. Một số người với bệnh ung thư thận giai đoạn I có thể chỉ cần làm phẫu thuật này.

- Cắt bỏ thận từng phần: Bác sĩ phẫu thuật chỉ cắt bỏ phần thận có khối u. Loại phẫu thuật này có thể được sử dụng khi người bệnh chỉ có một thận, hoặc khi khối ung thư ảnh hưởng đến cả hai thận. Hơn nữa, một người với khối u thận nhỏ (nhỏ hơn 4cm) có thể được áp dụng loại phẫu thuật này.

         Bệnh nhân có thể hỏi bác sĩ những câu hỏi sau trước khi làm phẫu thuật:

- Bác sĩ áp dụng cho tôi loại phẫu thuật nào?

- Tôi có cần phải cắt bỏ các hạch bạch huyết không? Tại sao?

- Những nguy cơ của phẫu thuật là gì? Tôi có bị những tác dụng lâu dài nào không? Tôi có cần sử thẩm tách không? (chạy thận nhân tạo)

- Tôi sẽ có cảm giác như thế nào sau ca mổ?

- Tôi cần phải ở lại trong bệnh viện bao lâu?

- Khi nào tôi có thể trở lại được với những hoạt động bình thường?

- Bao lâu tôi cần phải kiểm tra lại?

- Một thử nghiệm lâm sàng có phù hợp với tôi không?

Gây nghẽn (tắc) động mạch

         Gây nghẽn động mạch là một loại của liệu pháp cục bộ làm khối u co nhỏ lại. Đôi khi phương pháp này được áp dụng trước khi mổ để làm cho việc phẫu thuật dễ dàng hơn. Khi phẫu thuật không thích hợp, gây nghẽn động mạch có thể được sử dụng để giúp làm giảm nhẹ những triệu chứng của bệnh ung thư thận.

         Bác sĩ đưa vào mạch máu ở chân một ống nhỏ (ống thông). ống này được luồn đến mạch máu chính (động mạch thận) cung cấp máu cho thận. Bác sĩ tiêm một chất vào mạch máu để ngăn chặn dòng chảy của máu vào thận. Sự bao vây này ngăn chặn khối u nhận oxy và những dưỡng chất khác mà nó cần để phát triển.

         Mọi người có thể hỏi bác sĩ những câu hỏi sau trước khi làm phương pháp gây nghẽn động mạch.

- Tại sao tôi cần phải áp dụng phương pháp này?

- Tôi có phải ở lại bệnh viện không? Bao lâu?

- Những nguy cơ và tác dụng phụ là gì?

- Một thử nghiệm lâm sàng có thích hợp với tôi không?

Liệu pháp xạ trị

         Liệu pháp xạ trị là một loại khác của liệu pháp cục bộ. Phương pháp này sử dụng những tia năng lượng cao để giết các tế bào ung thư. Phương pháp này chỉ tác dụng lên các tế bào ung thư trong vùng được điều trị. Một chiếc máy lớn chiếu trực tiếp tia xạ vào cơ thể. Bệnh nhân được điều trị phương pháp này ở bệnh viện 5 ngày một tuần, trong một vài tuần.

         Một số nhỏ các bệnh nhân phải điều trị tia xạ trước khi phẫu thuật để làm co nhỏ khối u lại. Một số bệnh nhân phải điều trị sau phẫu thuật để giết các tế bào ung thư có thể còn sót lại trong vùng đó. Những người không thể phẫu thuật được có thể điều trị tia xạ để giảm nhẹ đau đớn và những vấn đề khác gây nên do ung thư.

         Mọi người có thể hỏi bác sĩ những câu hỏi sau trước khi điều trị tia xạ:

- Tại sao tôi cần được áp dụng loại điều trị này?

- Những nguy cơ và tác dụng phụ của điều trị này là gì?

- Có những ảnh hưởng lâu dài nào không?

- Khi nào điều trị bắt đầu? Khi nào kết thúc?

- Tôi cảm thấy như thế nào trong suốt quá trình điều trị?

- Tôi có thể làm được gì để tự chăm sóc mình trong quá trình điều trị?

- Tôi có thể tiếp tục được những hoạt động bình thường của mình không?

- Bao lâu tôi cần đi kiểm tra lại?

- Một thử nghiệm lâm sàng có thích hợp với tôi không?

Liệu pháp sinh học

         Liệu pháp sinh học là một loại của liệu pháp toàn cơ thể. Phương pháp này sử dụng những chất lưu chuyển qua dòng máu, nắm bắt và tác động đến các tế bào trên khắp cơ thể. Liệu pháp sinh học sử dụng khả năng tự nhiên của cơ thể (hệ thống miễn dịch) để chống lại bệnh ung thư.

         Đối với những bệnh nhân bị ung thư thận ác tính, bác sĩ có thể gợi ý loại interferon-a hoặc interleukin-2 (còn được gọi là IL-2). Thông thường, cơ thể sản sinh ra những chất này với lượng nhỏ để đối phó lại những nhiễm khuẩn và những bệnh khác. Đối với việc điều trị ung thư, những chất này được sản xuất trong phòng thí nghiệm với một lượng lớn để sử dụng cho bệnh nhân.

Hoá trị liệu

         Hoá trị liệu cũng là một loại của liệu pháp cơ thể. Các loại thuốc chống ung thư đi vào dòng máu và đi khắp cơ thể. Mặc dù là hữu ích đối với nhiều bệnh ung thư khác, những loại thuốc chống ung thư cũng có những hạn chế khi sử dụng chống lại bệnh ung thư thận. Tuy nhiên, các bác sĩ đang nghiên cứu nhiều loại thuốc mới và nhiều loại kết hợp mới để có thể chứng minh sự hữu ích hơn.

         Mọi người có thể hỏi bác sĩ những câu hỏi sau đây trước khi điều trị liệu pháp sinh học và hoá trị liệu:

- Tại sao tôi cần được áp dụng loại điều trị này?

- Phương pháp điều trị này tác dụng như thế nào?

- Những lợi ích mong đợi của việc điều trị là gì?

- Những nguy cơ và những tác dụng phụ có thể có của điều trị là gì? Tôi có thể làm gì để hạn chế những tác dụng phụ?

- Khi nào bắt đầu điều trị? Khi nào kết thúc?

- Tôi có phải ở lại bệnh viện không? Bao lâu?

- Việc điều trị sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những hoạt động bình thường của tôi?

- Liệu có thử nghiệm lâm sàng nào thích hợp với tôi không?

Những tác dụng phụ của điều trị ung thư

         Do điều trị có thể gây nguy hiểm cho những tế bào và mô khoẻ mạnh, những tác dụng phụ không mong muốn là phổ biến. Những tác dụng phụ này phụ thuộc chính vào loại và phạm vi của điều trị. Những tác dụng phụ có thể không giống đối với mỗi người, và chúng có thể thay đổi từ đợt điều trị này đến đợt điều trị khác. Trước khi điều trị bắt đầu, các bác sĩ sẽ giải thích những tác dụng phụ có thể có và gợi ý những cách để giúp người bệnh chế ngự chúng.

Phẫu thuật

         Phải mất một thời gian để lành vết thương sau phẫu thuật, và thời gian cần để bình phục đối với mỗi người là khác nhau. Nhiều bệnh nhân thường thấy khó chịu trong vài ngày đầu. Tuy nhiên, dùng thuốc có thể thường xuyên kiểm soát được sự đau đớn của họ. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ có thể điều chỉnh lại kế hoạch điều trị nếu cần làm giảm nhẹ sự đau đớn hơn nữa.

         Thường thì bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi hoặc ốm yếu trong một thời gian. Các bác sĩ theo dõi bệnh nhân để tìm những dấu hiệu của những vấn đề về thận bằng việc giám sát lượng nước bệnh nhân uống vào và lượng nước tiểu thải ra. Họ còn theo dõi những dấu hiệu của máu, nhiễm khuẩn, hoặc những vấn đề khác phụ thuộc vào lần điều trị gần đây nhất. Phòng xét nghiệm làm những xét nghiệm giúp đội chăm sóc sức khoẻ giám sát dấu hiệu của những vấn đề này.

         Nếu một thận phải cắt bỏ, bên thận còn lại nói chung có thể phải thực hiện công việc của cả hai thận. Tuy nhiên, nếu thận còn lại làm việc không tốt hoặc nếu cả hai thận đã bị cắt bỏ, cần phải dùng phương pháp thẩm tách để lọc máu. Đối với một vài bệnh nhân, ghép thận có thể là một sự lựa chọn. Bác sĩ phẫu thuật ghép thay thế thận của bệnh nhân bằng một thận khoẻ mạnh của một người hiến tặng.

         Sau khi dùng phương pháp gây tắc nghẽn mạch, một số bệnh nhân bị đau tái phát hoặc bị sốt. Những tác dụng phụ khác là buồn nôn và bị nôn. Những vấn đề này sẽ hết sớm.

Điều trị tia xạ

         Những tác dụng phụ của điều trị tia xạ phụ thuộc chính vào lượng tia xạ và phần cơ thể được điều trị. Bệnh nhân có thể trở nên rất mệt mỏi trong quá trình điều trị tia xạ, đặc biệt trong những tuần cuối của đợt điều trị. Việc nghỉ ngơi là quan trọng nhưng các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân cố gắng duy trì các hoạt động khi họ có thể.

         Điều trị tia xạ vào thận và những vùng xung quanh có thể gây nên chứng buồn nôn, nôn, ỉa chảy, hoặc khó đi tiểu. Điều trị tia xạ còn có thể gây nên sự giảm số lượng các tế bào bạch cầu khoẻ mạnh, giúp bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm khuẩn. Hơn nữa, vùng da điều trị đôi khi có thể bị đỏ, khô và nhạy cảm. Tuy nhiên, những tác dụng phụ của điều trị tia xạ có thể đang là mối nguy hiểm, bác sĩ có thể thường xuyên xem xét và kiểm soát chúng.

Liệu pháp sinh học

         Liệu pháp sinh học có thể gây ra những triệu chứng giống như bệnh cúm, ví dụ cảm giác ớn lạnh, sốt, nhức mỏi cơ, ốm yếu, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn, và ỉa chảy. Nhiều bệnh nhân có thể còn bị phát ban ở da. Những vấn đề này có thể có ảnh hưởng xấu nhưng chúng có thể hết sau khi điều trị kết thúc.

Hoá trị liệu

         Những tác dụng phụ của hoá trị liệu phụ thuộc chính vào những loại thuốc cụ thể và lượng thuốc dùng mỗi lần. Nhìn chung, những loại thuốc chống ung thư ảnh hưởng đến các tế bào phân chia nhanh, đặc biệt là:

- Những tế bào máu: Những tế bào này chống lại sự nhiễm khuẩn, giúp cho máu đông và vận chuyển oxy đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Khi những loại thuốc này tác động đến các tế bào máu, bệnh nhân có thể dễ bị nhiễm khuẩn hơn, có thể dễ bị vết thâm tím và chảy máu, và có thể cảm thấy rất yếu và mệt mỏi.

- Các tế bào chân tóc: Hoá trị liệu có thể gây ra rụng tóc. Tóc sẽ mọc trở lại, nhưng đôi khi lớp tóc mới có phần khác về màu sắc và cấu trúc.

- Các tế bào lót bộ máy tiêu hoá: hoá trị liệu có thể gây ra chứng chán ăn, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, hoặc miệng và môi lở loét. Nhiều triệu chứng này có thể kiểm soát được bằng các loại thuốc.

Dinh dưỡng

         Người bệnh cần phải ăn tốt trong suốt quá trình điều trị ung thư. Họ cần có đủ lượng calo để duy trì một mức cân nặng hợp lý và lượng protein để giữ sức khoẻ. Dinh dưỡng tốt thường giúp cho bệnh nhân ung thư cảm thấy khoẻ hơn và có năng lượng tốt hơn.

         Nhưng việc ăn uống tốt có thể rất khó khăn. Bệnh nhân có thể thấy không muốn ăn nếu họ thấy khó chịu và mệt mỏi. Hơn nữa, những tác dụng phụ của điều trị như chán ăn, buồn nôn, hoặc nôn, có thể là một khó khăn. Một số bệnh nhân còn thấy rằng thức ăn không có mùi vị ngon trong suốt quá trình điều trị ung thư.

         Bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, hoặc các nhà chăm sóc sức khoẻ khác có thể gợi ý cho bạn nhiều cách để duy trì một chế độ ăn khoẻ mạnh. Bệnh nhân và gia đình của họ có thể đọc thêm những cuốn sách nhỏ hoặc trên website của chúng tôi để có nhiều kiến thức hữu ích.

Tiếp tục chăm sóc

         Tiếp tục chăm sóc sau điều trị ung thư thận là quan trọng. Thậm chí, khi mà dường như khối ung thư đã hoàn toàn được loại bỏ và tiêu diệt, đôi khi bệnh vẫn quay trở lại vì những tế bào ung thư có thể vẫn còn trong cơ thể sau khi điều trị. Bác sĩ giám sát sự phục hồi của người bệnh đã được điều trị ung thư thận và kiểm tra sự tái phát của bệnh ung thư. Những kiểm tra này giúp đảm bảo rằng bất cứ sự thay đổi nào về sức khoẻ đều được ghi chép lại. Người bệnh có thể phải làm nhiều loại xét nghiệm, chụp X quang ngực, chụp cắt lớp hoặc những xét nghiệm khác.

         Việc sống chung với một loại bệnh nguy hiểm như ung thư thận không phải là điều dễ dàng. Những người bị bệnh ung thư thận có thể thấy lo lắng về việc chăm lo cho gia đình của họ, làm thế nào để giữ được việc làm, hoặc là việc tiếp tục được những hoạt động hàng ngày. Những lo lắng về những lần điều trị tiếp theo và kiểm soát được những tác dụng phụ, những lần phải ở lại bệnh viện và việc thanh toán tiền thuốc là hết sức bình thường. Các bác sĩ, y tá và những nhà tư vấn có thể trả lời những câu hỏi về việc điều trị, việc làm, hoặc những hoạt động khác. Việc gặp gỡ với một nhà tư vấn có thể rất hữu ích cho những người muốn được nói ra những cảm giác của họ hoặc được cùng thảo luận về những lo lắng của họ.

         Những hội hỗ trợ nếu có cũng có thể giúp bạn được. Trong những nhóm này, bệnh nhân hoặc các thành viên trong gia đình gặp gỡ với các bệnh nhân hoặc các thành viên của các gia đình khác để cùng chia xẻ những gì họ học hỏi được trong vấn đề đối phó với bệnh tật và những ảnh hưởng của điều trị. Những nhóm này có thể hỗ trợ trực tiếp từng người, qua điện thoại, hoặc trên mạng Internet.

Sự hứa hẹn của nghiên cứu ung thư

         Các bác sĩ ở nhiều nước đang chỉ đạo nhiều loại thử nghiệm lâm sàng. Đây là những nghiên cứu có nhiều người tình nguyện tham gia. Trong những thử nghiệm lâm sàng này, các bác sĩ đang nghiên cứu nhiều phương pháp mới để điều trị bệnh ung thư thận. Nghiên cứu đã đưa đến những tiến bộ, và những nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm những phương pháp điều trị có tác dụng hơn.

         Những bệnh nhân tham gia vào những nghiên cứu này có cơ hội được hưởng lợi ích trước tiên từ những điều trị đã cho thấy có triển vọng trong những nghiên cứu trước đó. Họ còn đóng góp quan trọng cho nền khoa học y khoa bằng việc giúp các bác sĩ hiểu biết tốt hơn về bệnh. Tuy nhiên, những thử nghiệm lâm sàng có thể gây ra một số nguy cơ, các nhà nghiên cứu đang làm tất cả có thể để bảo vệ bệnh nhân của mình.

         Các nhà khoa học đang nghiên cứu về phẫu thuật, liệu pháp sinh học, hoá trị liệu và những sự kết hợp của những loại điều trị này. Họ còn đang phối hợp hoá trị liệu với nhiều phương pháp điều trị mới, như là ghép tế bào gốc. Ghép tế bào gốc cho phép bệnh nhân được điều trị với liều lượng thuốc cao. Lượng thuốc cao tiêu diệt cả những tế bào ung thư và những tế bào bình thường trong tuỷ xương. Sau đó, bệnh nhân nhận được những tế bào gốc khoẻ mạnh từ một người hiến tặng. Những tế bào máu mới phát triển ra từ những tế bào gốc được cấy ghép.

         Những phương pháp khác cũng đang được nghiên cứu. Ví dụ, nhiều nhà nghiên cứu đang nghiên cứu những loại vacxin ung thư, giúp cho hệ thống miễn dịch tìm kiếm và tấn công các tế bào ung thư thận.


CREDCA

Các vấn đề ung thư vú

Ung thư bàng quang 7/21/2008 9:22:50 AM
Đương đầu với ung thư 5/20/2008 2:49:33 PM
Ung thư xương 2/25/2008 8:22:01 AM
Sacôm mô mềm 2/22/2008 2:04:25 PM
CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ MẮC BỆNH UNG THƯ 1/11/2008 8:32:08 AM
HIỂU BIẾT VỀ U TRUNG BIỂU MÔ MÀNG PHỔI 10/15/2007 10:25:13 AM
HIỂU BIẾT VỀ BỆNH U NÃO Ở NGƯỜI LỚN 10/15/2007 10:23:24 AM
UNG THƯ LÀ GÌ? 10/15/2007 10:20:59 AM
Tìm hiểu về ung thư cổ tử cung 9/9/2007 3:07:02 PM
Tìm hiểu về ung thư vú 9/9/2007 1:48:26 PM
Chụp nhũ ảnh để phát hiện ưng thư vú 7/14/2007 1:30:23 PM

Các vấn đề ung thư dạ dày

Những điều cần biết về ung thư dạ dày – ruột 9/9/2007 11:08:03 AM

Các vấn đề ung thư cổ tử cung


Các vấn đề ung thư tuyến giáp

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ UNG THƯ TUYẾN GIÁP 7/16/2007 2:22:11 PM

Các vấn đề ung thư phổi

Những điều cần biết về ung thư phổi 7/16/2007 2:49:33 PM

Ung thư thực quản

Ung thư thực quản sớm trên một thực quản Barett 3/24/2008 9:20:55 AM

Ung thư miệng họng

Ung thư miệng và họng 3/24/2008 9:41:49 AM

Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt 3/25/2008 2:21:25 PM

Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng 4/15/2008 9:52:10 AM

Ung thư thận

ung thư thận 10/31/2008 11:15:12 AM
<p><strong>Chuyen cua chau Nguyen Ngoc Khanh</strong></p>
<p>Anh <strong>Đặng Đ&igrave;nh Thiết</strong><br/>(ảnh chụp năm 2006)</p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>